Dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn 13 xã, thị trấn thuộc huyện Bảo Thắng gồm: Thái Niên, Trì Quang, Gia Phú, Phú Nhuận, Xuân Quang, Bản Phiệt, Phong Niên, Sơn Hà, Xuân Giao, Sơn Hải, Bản Cầm, thị trấn nông trường Phong Hải, thị trấn Lu.
Năm 2024 - 2025 thực hiện hỗ trợ 600 ha diện tích trồng rừng sản xuất loài cây gỗ lớn theo phương thức hỗ trợ sau đầu tư và bằng tiền theo định mức tương ứng với diện tích thực tế đủ điều kiện hỗ trợ. Trong đó năm 2024 thực hiện trồng 195,24 ha; năm 2025 thực hiện trồng 404,76 ha.
Hỗ trợ trồng 600 ha rừng sản xuất loài cây gỗ lớn trong năm 2024 - 2025 trên địa bàn 13 xã, thị trấn huyện Bảo Thắng.
Đối tượng hỗ trợ là các hộ gia đình có nhu cầu hỗ trợ trồng rừng sản xuất loài cây gỗ lớn và có cam kết khai thác sau 10 năm tuổi trên diện tích đất quy hoạch cho phát triển rừng sản xuất.
Mức hỗ trợ áp dụng 17.000.000 đồng/ha theo quy định tại Nghị quyết số 14/2024/NQ-HĐND ngày 22/8/2024 của HĐND tỉnh quy định mức cấp kinh phí, đầu tư, hỗ trợ đầu tư, khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong đó hỗ trợ một lần 15.000.000 đồng/ha/chu kỳ để mua cây giống, vật tư, phân bón đối với trồng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng; hỗ trợ chi phí cho công tác khuyến lâm 500.000 đồng/ha/04 năm; hỗ trợ một lần chi phí khảo sát, thiết kế, quản lý, kiểm tra, nghiệm thu là 10% trên tổng kinh phí hỗ trợ trồng rừng sản xuất 1.500.000 đồng/ha.
Tổng kinh phí thực hiện Dự án là 10,2 tỷ đồng từ nguồn trồng rừng thay thế do các Chủ dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nộp vào Quỹ Bảo vệ rừng và Môi trường tỉnh.
Thực hiện trồng thay thế diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác, tăng diện tích rừng sản xuất, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần ổn định lâm phần quốc gia, quản lý sử dụng rừng bền vững diện tích đất lâm nghiệp, góp phần nâng độ che phủ của rừng trên địa bàn huyện Bảo Thắng. Nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tiết kiệm tài nguyên khi xây dựng, triển khai dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, đời sống của người làm nghề rừng tại các địa phương. Đảm bảo nhanh chóng thay thế diện tích rừng đã mất bằng diện tích rừng trồng mới./.