image banner
CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2024)
🌷30/4/1975 - NGÀY ĐẤT NƯỚC TRỌN NIỀM VUI
1. Nhìn tổng thể cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong 21 năm có thể chia thành 03 giai đoạn:
👉- Từ 7/1954-1960, giai đoạn 1, cách mạng miền Nam đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công.
👉- Từ 1961-1972, giai đoạn 2, cách mạng miền Nam luôn ở thế chiến lược tiến công.
👉- Từ 1973-1975, giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến, Tổng tiến công và Nổi dậy giải phóng miền Nam.
         Trong các giai đoạn đó, quân và dân ta lần lượt tập tan chiến lược chiến tranh đặc biệt, chiến lược chiến tranh cục bộ, chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và 02 lần Mỹ dùng máy bay, tàu chiến đánh phá miền Bắc XHCN.
         Mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta mở đòn tiến công lên Tây Nguyên và tiến đánh, giải phóng Trị - Thiên - Huế, Đà Nẵng. Thắng lợi nối tiếp thắng lợi, vùng giải phóng được mở rộng, chiếm 3/4 đất đai và gần 1/2 dân số miền Nam. Một cục diện mới chưa từng có mở ra, thời cơ giải phóng miền Nam đã đến. Trong phiên họp ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm: "Tập trung nhanh nhất lực lượng (từ 12 sư đoàn trở lên), binh khí, kỹ thuật và vật chất giải quyết xong Sài Gòn - Gia Định trước mùa mưa". Sáng 31/3/1975, Bộ Chính trị họp mở rộng bàn về trận quyết chiến, chiến lược cuối cùng, tại cuộc họp này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến, thực hiện bao vây phía Đông và phía Tây Sài Gòn - Gia Định, sử dụng nắm đấm chủ lực, bất ngờ thọc sâu tiêu diệt địch. Đánh một trận là thắng. Phương châm là: "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng". Đêm 7/4/1975, Đại tướng ra mệnh lệnh cho các cánh quân đang tiến về Sài Gòn: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng...". Bức điện lập tức được truyền đi khắp mặt trận trên toàn miền Nam, được chuyển đến tận các cấp lãnh đạo, chỉ huy, các đảng viên và chiến sĩ trên chiến trường, để toàn quân, toàn dân thấm nhuần cả trong nhận thức tư tưởng và hành động.
         Ngày 8/4/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm Tư lệnh; Bí thư Trung ương Cục miền Nam Phạm Hùng làm Chính ủy. Ngay sau thành lập, Bộ Chỉ huy chiến dịch họp thảo luận đề ra cách đánh sao cho phát huy được sức mạnh tổng hợp, đánh đòn quyết định kết thúc chiến tranh nhanh, gọn, ít tốn xương máu nhất và giữ cho thành phố Sài Gòn nguyên vẹn. Và cách đánh nhanh chóng được thống nhất: "Dùng một bộ phận lực lượng thích hợp trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch lại không cho chúng co cụm về Sài Gòn, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn chủ lực của địch phòng thủ vòng ngoài, đồng thời dùng lực lượng mạnh, nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích binh chủng hợp thành cơ giới hóa mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã được chọn lựa trong nội thành".
         2. Theo đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị gửi Mặt trận bức điện, mang nội dung: "Đồng ý chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh". Chiến dịch vinh dự được mang tên Bác, niềm vui và niềm tin lan nhanh khắp mặt trận, cổ vũ, tiếp thêm sức mạnh, nâng bước thần tốc của quân và dân ta nhanh có mặt ở điểm hẹn lịch sử: Sài Gòn - Gia Định!
         Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất BCHTW, ngày 22/4/1975 điện cho Bộ Chỉ huy chiến dịch: "Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc Tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi cả về quân sự và chính trị. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Hiện nay thời cơ thúc đẩy chúng ta phải có hành động nhanh nhất. Nắm vững thời cơ lớn chúng ta nhất định toàn thắng". Nhận được chỉ thị của đồng chí Lê Duẩn, Bộ Chỉ huy chiến dịch họp rà soát và quyết định Kế hoạch Chiến dịch Hồ Chí Minh.
         17h ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Từ ngày 26 đến 28/4/1975, ta tiến công vào tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, thực hiện bao vây cô lập triệt để Sài Gòn. Trong ngày 29/4/1975, quân ta tổ chức tổng tiến công, chặn và tiêu diệt các tập đoàn chủ lực của địch ở vòng ngoài, đồng thời thọc sâu cùng lực lượng tại chỗ đánh chiếm các địa bàn quan trọng ở vùng ven, chuẩn bị đồng loạt tiến vào nội đô Sài Gòn.
Tuân lệnh của Bộ Chỉ huy chiến dịch, 5h30 phút ngày 30/4/1975, từ các hướng, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn phối hợp với lực lượng Nhân dân nổi dậy, nổ súng, tấn công mãnh liệt, đánh chiếm nhanh, gọn 05 mục tiêu then chốt: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu, Dinh Độc Lập, Tổng nha Cảnh sát và Biệt khu Thủ đô. Đến 11h30, ta làm chủ hoàn toàn Sài Gòn, thành phố gần như nguyên vẹn và lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập.
         3. Trưa 30/4/1975, khúc khải hoàn ca toàn thắng rưng rưng trong từng khóe mắt từ cụ già đến trẻ nhỏ trên khắp hai miền Nam Bắc. Hơn hai mươi năm vượt qua bao gian khổ, ác liệt, hy sinh, biết bao xương máu đổ xuống mới có ngày 30/4 đại thắng - giây phút hạnh phúc trào dâng: Miền Nam được giải phóng, đất nước được nối liền, từ thời điểm lịch sử này mở ra tương lai tươi sáng: Cả dân tộc nắm tay nhau, chung sức xây dựng cuộc sống mới trong kỷ nguyên độc lập và CNXH!
         Chiến thắng 30/4/1975 là niềm tự hào chính đáng của mỗi người dân Việt Nam và trong niềm vui vô bờ bến ấy, chúng ta thầm biết ơn các thế hệ cha anh đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, xương máu đem lại độc lập cho dân tộc, thống nhất cho đất nước. Hôm nay, nối tiếp truyền thống hào hùng, mỗi người dân nước Việt không chỉ nghiêng mình trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ, mà còn thấm nhuần sâu sắc lời dặn của Bác: “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay” và khắc sâu quyết tâm chính trị của Đảng tại Đại hội XIII: Phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, phồn vinh, hạnh phúc. Vinh dự cao cả, trọng trách lớn lao, nặng nề không của riêng ai, mà thế hệ chúng ta hôm nay phải đón nhận, gánh vác và hoàn thành sứ mệnh lịch sử giao phó!
Nguồn: Quê Hương Anh Hùng
Tin tức
Đăng nhập

Địa chỉ:  Huyện Bảo Thắng, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1