image banner
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam

             Sáng ngày 22/12/2023, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

        Cùng dự và điều hành Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo sở, ngành liên quan.

anh tin bai
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai

         Theo báo cáo tại Hội nghị, nhìn lại chặng đường 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam (Chiến lược 1755), với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP. Sau 3 năm 2016, 2017, 2018 triển khai Chiến lược: Năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD).

         Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm. So sánh số liệu thống kê sau 07 năm của chúng ta với tình hình chung trên thế giới, có thể thấy, Việt Nam đang là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hoá và còn nhiều dư địa phát triển”.

         Thời gian qua, thực hiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, các Bộ, ngành, địa phương đã tiến hành xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án, đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Các di tích, danh lam thắng cảnh được quan tâm tu bổ, tôn tạo đã trở thành địa chỉ đỏ trong việc thu hút ngày càng đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu. Năm 2019, riêng 08 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam đã đón hơn 21 triệu khách du lịch (trong đó có hơn 10 triệu khách quốc tế), với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp khoảng 3.123 tỷ đồng. Nhiệm kỳ 2023-2027 Việt Nam đã trúng cử thành viên Uỷ ban Di sản Thế giới. Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu Thế giới tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2023…

         Tham luận tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương và đại biểu một số hội, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa đã phát biểu tham luận đánh giá, chia sẻ về kết quả phát triển các ngành công nghiệp văn hóa lĩnh vực được giao; chia sẻ những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong quản lý, đầu tư về các ngành công nghiệp văn hóa; nêu những khó khăn, thách thức và đề xuất phương hướng, giải pháp và các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa…

         Đối với tỉnh Lào Cai, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, ban hành  phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Tỉnh Lào Cai xác định "Từng bước tạo dựng, hình thành sản phẩm văn hóa đặc trưng Lào Cai; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa" và được cụ thể hóa bằng Nghị quyết về phát triển văn hoá, con người Lào Cai  của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

         Với tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa phong phú, đa dạng, tỉnh Lào Cai xác định du lịch là ngành trọng tâm, trọng điểm trong phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển văn hóa gắn với du lịch. Đến nay, tỉnh Lào Cai đã có 40 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 22 di tích danh thắng cấp Quốc gia và 33 di tích danh thắng cấp tỉnh. Nhiều di tích, danh thắng, lễ hội đã phát huy hiệu quả trở thành sản phẩm du lịch nổi tiếng, độc đáo, hấp dẫn du khách.

         Tỉnh đã xây dựng chính sách đặc thù về hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, đến nay đã hỗ trợ 22 tỷ đồng cho người dân đầu tư phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng và hỗ trợ cho các địa phương thành lập các câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian tại điểm du lịch. Triển khai phát triển du lịch thông minh, số hóa dữ liệu ngành du lịch, hình thành nền tảng dữ liệu về du lịch… Đầu tư nguồn lực phát triển những sản phẩm, thương hiệu du lịch mang tính độc đáo, hấp dẫn của địa phương, dựa trên khai thác những chất liệu văn hóa truyền thống các dân tộc.

         Năm 2023 tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai năm 2023 đạt gần 7 triệu lượt khách; tổng thu dịch vụ du lịch ước đạt 22.500 tỷ đồng. Du lịch Lào Cai đã có bước phát triển nhanh chóng và dần khẳng định là một ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đóng góp cho ngân sách địa phương với tỷ lệ ngày càng tăng.

         Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế, để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP; tập trung tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, cách tiếp cận phù hợp, binh đẳng về chính sách thuế, đầu tư, đất đai, tiếp cận tín dụng và các chính sách khác…Các Hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, đẩy mạnh kết nối, hợp tác cùng phát triển, tập trung nghiên cứu, sáng tạo những tác phẩm, sản phẩm công nghiệp văn hóa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng. Đặc biệt, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy, đến hành động để đổi mới, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp hóa Việt Nam sáng tạo, bản sắc, độc đáo chuyên nghiệp, cạnh tranh.

         Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến; sớm hoàn thiện để trình ban hành văn bản phù hợp sau Hội nghị, tinh thần là sau Hội nghị có chuyển biến về nhận thức, tư duy và hành động, tạo ra sản phẩm, kết quả cụ thể cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa.


Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Lào Cai
Tin tức
Đăng nhập

Địa chỉ:  Huyện Bảo Thắng, Tỉnh Lào Cai

Điện thoại: 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1